Home
» chấn thương chỉnh hình
» Đời sống
» Rene D.Esser
» Bác sĩ Rene D.Esser gốc Việt thắp sáng cuộc đời
Bác sĩ Rene D.Esser gốc Việt thắp sáng cuộc đời
Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Là một giáo sư người Pháp gốc Việt, bác sĩ Rene D.Esser đã từ Pháp tự mình đi đi về về Việt Nam giải phẫu những ca bệnh khó, một hành động thắp sáng cuộc đời nữa trong nhân loại.
"Cuộc đời vẫn đẹp sao" có lẽ được thốt lên một cách đầy tự tin như vậy là vì những con người thiện tâm như bác sĩ Rene D.Esser, tôi vẫn thường nhìn nhận cuộc đời này đang u tối đi nhiều, chiến tranh, lọc lừa, vị kỷ, vô cảm,...nhưng còn đó những con người thắp sáng niềm tin và đem lại cuộc đời mới cho những ai bất hạnh.Bạn chưa biết vì sao bác sĩ Rene D.Esser lại được tôi ca ngợi như vậy? Hãy đọc bài Hàng nghìn cuộc đời được tái sinh nhờ vị giáo sư Pháp gốc Việt được đăng trên VnExpress với nội dung như sau là sẽ hiểu:
Bỏ tiền túi mỗi ba tháng một lần bay từ Pháp về Việt Nam mổ những ca bệnh khó, giáo sư Rene D.Esser đã trả lại cuộc đời cho hàng nghìn người và đều nhớ kỹ về họ.
28 năm đi đứng khập khiễng do di chứng của chất độc da cam, chị Nguyễn Thanh Hà cam phận với ý nghĩ cuộc đời mình sẽ trở thành gánh nặng suốt đời người thân. Nhiều lần đi khám, các bác sĩ đều từ chối phẫu thuật, cho đến khi gặp được giáo sư Rene, chị như được sinh ra một lần nữa. Từ cô gái chân khoèo, tay khoèo, đau nhức không làm gì được, sau 2 ca mổ, chị Hà đã đi đứng nhanh nhẹn hoạt bát. Hiện chị trở thành chủ một tiệm cắt tóc tại Hải Phòng, dạy nghề miễn phí cho hàng trăm bạn trẻ khuyết tật. Đôi chân đã có thể đứng vững, đôi bàn tay co quắp ngày nào có thể thoăn thoắt từng nhát kéo làm đẹp cho mọi người.
"Giáo sư chính là vị thánh sống đã ban cho tôi đôi chân. Lúc trước nhiều khi tôi chỉ biết nghĩ đến cái chết để chấm dứt các cơn đau đớn hành hạ", chị Hà xúc động chia sẻ.
Hơn 7 năm nay, hàng trăm ca mổ phức tạp như trường hợp của chị Ngọc Hà được giáo sư Rene trực tiếp phẫu thuật trên khắp cả nước. Rời Việt Nam định cư tại Pháp cùng gia đình khi mới một tháng tuổi, vị bác sĩ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình luôn hướng về quê hương bằng tất cả tấm lòng. Quyết định chọn theo ngành y của ông một phần cũng xuất phát từ trăn trở phải trở về quê, góp một phần công sức cho chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Vợ ông vốn là cô gái Hà Nội sang Pháp du học.
Nhiều năm liền, giáo sư Rene D.Esser (giữa) đã trở thành người thầy, người bạn lớn của các bác sĩ phẫu thuật xương khớp Việt Nam. Ảnh: Lê Phương.
Tốt nghiệp ĐH Y khoa Paris, Pháp, năm 1975, sau một thời gian đi nghĩa vụ ở đảo quốc Samoa, ông qua Đức bắt đầu sự nghiệp. Sau 3 tháng vừa phụ mổ vừa bập bẹ học tiếng Đức, ông dẫn đầu cuộc thi tuyển gắt gao để trở thành trưởng khoa chấn thương chỉnh hình của một bệnh viện có quy mô 220 giường. Lúc ấy ông chỉ mới 29 tuổi. Một thời gian sau, vợ không thích môi trường ở Đức, cộng thêm nhận được lời mời nên ông trở về lại Samoa. Tại đây, vị bác sĩ đứng ra vận động tài trợ để xây một bệnh viện chấn thương chỉnh hình rồi bàn giao lại cho chính phủ. Với những đóng góp to lớn cho người dân đảo, ông được đức vua Samoa nhận làm con nuôi và tặng huy chương danh dự, trở thành Hoàng tử của quốc đảo xinh đẹp.
“Lúc tôi đến, đảo quốc còn nhiều khó khăn. Ngày rời đi, đảo hầu như không còn ai tàn tật vì đều đã được phẫu thuật. Thường với những ca bệnh phức tạp, người dân trên đảo phải ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém. Từ khi tôi về, tất cả các ca mổ khó đều thực hiện tại chỗ”, giáo sư chia sẻ.
Trong thời gian ở đảo, tiếng tăm của vị bác sĩ giỏi 5 ngoại ngữ đã lừng lẫy khắp nơi qua các bài giảng, các chuyến công tác tại nhiều nước trên thế giới. Đến năm 1990, Đại học Stanford danh tiếng của Mỹ mời ông về làm Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và phong hàm giáo sư. Suốt thời gian công tác tại Mỹ, ông vẫn thường xuyên trở lại Samoa qua những chuyến thăm khám, phẫu thuật miễn phí. Ông còn kết hợp đưa các bác sĩ ở Samoa sang Stanford đào tạo chuyên môn để họ quay về giúp đảo quốc. Năm 1995, bố mẹ đã lớn tuổi nên ông quyết định quay trở về Pháp công tác để gần gũi gia đình.
Một đời tích cóp kinh nghiệm, đến lúc tay nghề và điều kiện thực sự vững vàng, ông chủ động tìm về Việt Nam trong các chương trình mổ từ thiện. Ông trực tiếp tham gia nhiều ca mổ khó tại các bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, 108… cùng nhiều bệnh viện lớn nhỏ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Không ngại vất vả, ông đến tận những nơi xa xôi để tận tay mổ cho dân nghèo. Mỗi chuyến trở về, ông thường đứng ra vận động tài trợ dụng cụ, thiết bị, thuốc men từ các công ty bên Pháp trao tặng cho Việt Nam.
Tự tay cầm dao phẫu thuật cho hàng chục nghìn ca lớn nhỏ nhưng vị bác sĩ không quên một ai. Mỗi bệnh nhân ông đều ghi nhớ rất kỹ lý lịch của họ. Ông quan niệm, mổ mới chỉ là một phần công việc của người bác sĩ, việc theo dõi sự hồi phục của bệnh nhân luôn là điều cần thiết. Những ca mổ đặc biệt như cô bé bị bỏ rơi đa dị tật bẩm sinh Thùy Nhi với bàn tay và chân bị khoèo, phủ tạng bị đảo ngược, trái tim nằm bên phải... ông hầu như nhớ đến từng chi tiết.
Giáo sư Rene (ở giữa) và các bác sĩ bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Đ.P.
Ngược xuôi đi về, nỗi niềm canh cánh nhất trong ông là sau bao nhiêu năm Việt Nam hầu như vẫn chưa có sự thay đổi nổi bật trong lĩnh vực y tế. Phòng mổ, trang thiết bị các bệnh viện khi ông mới bước chân về nước so với bây giờ vẫn chưa có sự đầu tư đáng kể. Tỷ lệ người nghèo tàn phế, phải sống chung với thương tật suốt đời do không có điều kiện phẫu thuật vẫn còn rất nhiều.
“Những chuyến đi mổ trên quê hương mình giúp tôi có cảm giác được làm nghề y đúng nghĩa, đúng với tâm niệm phấn đấu suốt cả cuộc đời”, vị bác sĩ với nhiều giải thưởng quốc tế, nhiều công trình y học nổi tiếng thế giới trải lòng.
Nhiều năm liền ông âm thầm truyền nghề cho các bác sĩ Việt Nam. Trong ca bệnh nhân viêm dính cốt hóa khớp háng - xương hóa thạch tạo thành một mảng đá cứng che phủ phía trước, vùng bẹn và sau khớp háng hiếm gặp mới đây, các bác sĩ khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân 115 được chứng kiến người thầy “trời sinh ra để mổ” tỉ mẩn, khéo léo với từng đường nét phẫu thuật. Sau hơn ba giờ đục đẽo, các bác sĩ đã lấy ra gần 0,8 kg xương cứng để tạo hình và đặt khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân. Trước đó bệnh nhân bị tai nạn, gãy cột sống và bị liệt hai chân, đã được phẫu thuật hai lần, trong đó có một lần tại Hàn Quốc nhưng vẫn không thể đi đứng được. Ca mổ thành công tốt đẹp, bệnh nhân đang dần hồi phục sức khỏe.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, người song hành trong mỗi đợt về Việt Nam của giáo sư Rene cho biết, nhiều năm nay những ca bệnh khó của bệnh viện đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của vị giáo sư tài ba.
“Với những ca phẫu thuật phức tạp, chúng tôi thường hội chẩn từ xa để trao đổi ý kiến cùng giáo sư và tìm ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu nhận thấy điều kiện Việt Nam không đủ thực hiện, giáo sư không ngại mang dụng cụ từ Pháp lặn lội về để vừa kết hợp mổ vừa tranh thủ truyền đạt kinh nghiệm trực tiếp cho các bác sĩ bệnh viện”, bác sĩ Phú chia sẻ.
Không chỉ học được ở giáo sư những kiến thức chuyên môn như cách làm việc chuyên nghiệp, cách lập kế hoạch trước, trong và sau mổ, cách đưa ra phương án, xử lý tình huống tài tình, bác sĩ Phú còn nêu gương ông ở góc độ một người thầy giản dị, chân tình bởi cái tâm cao cả, hết lòng vì bệnh nhân nghèo.
Một đời miệt mài "hóa kiếp sâu thành bướm", hồi sinh nhiều cuộc đời tàn tật bất hạnh, vị giáo sư ghiền ăn cơm nước mắm Việt Nam vẫn không ngừng ấp ủ những dự định trên xứ sở quê hương để hướng đến mục đích cuối cùng giúp những người vốn là gánh nặng gia đình trở thành người lành lặn, hòa nhập tốt với cuộc sống đời thường.
Ôi, có bao nhiêu người như vị bác sĩ này nhỉ? Những gì ông làm đang khiến cho cảnh sắc cuộc đời được sáng thêm một chút, tôi mong mỏi có nhiều hơn nữa những con người như vậy, vẫn cố học hỏi và làm theo những tấm gương đó bằng sức mình đang có, thật chẳng dễ dàng gì.
Mặc Tử
Bài liên quan